Khi những căn bếp mang phong cách hiện đại và cổ điển không còn làm cho bạn thấy hứng thú thì kiểu bếp mang đậm chất "công nghiệp" với đầy những món đồ kim loại cá tính, cùng chất liệu chủ yếu được sử dụng như gạch thô, bê tông, gỗ sẽ là những lựa chọn không tồi.
Hơn nữa, phong cách công nghiệp được cho là dễ dàng thay đổi và kết hợp với các yếu tố nội thất khác để phù hợp với thị hiếu của mỗi người.
Không gian phong cách công nghiệp không u ám và lạnh lẽo như bạn tưởng
Phong cách thiết kế công nghiệp chủ yếu sử dụng những màu sắc gắn liền với yếu tố “công nghiệp” như màu trắng, đen và màu lạnh như xám, xanh dương nhạt.
Trong đó, tông màu chủ đạo thường trắng, trắng kết hợp cùng một màu khác hoặc giữ lại màu đặc trưng của xi măng hay tường gạch.
Căn bếp với gam màu lạnh đặc trưng của phong cách công nghiệp
Theo đó, những đồ dùng trang trí nội thất cũng đi theo tông màu màu lạnh và tối đặc trưng trong phong cách “công nghiệp”.
Những gam màu này tạo cho không gian cảm giác thoáng đãng, hiện đại, nhưng lại có chút trầm tĩnh và lạnh lẽo.
Vì thế, trong không gian phong cách công nghiệp thường có sự phối hợp với một vài vật dụng nhỏ có gam màu nóng như vàng chanh, đỏ, cam, vàng gỗ để tạo điểm nhấn khác biệt, đồng thời giúp phá vỡ cảm giác sắc lạnh.
Màu đỏ được bổ sung để phá vỡ cảm giác lạnh và trầm của căn bếp phong cách công nghiệp
Như vậy, nội thất phong cách công nghiệp không hề lạnh lẽo như trong hình dung của một số người.
Nếu là một người yêu thích sự tự do, phóng khoáng và phá cách thì hãy tham khảo những yếu tố để tạo nên một căn bếp phong cách công nghiệp mạnh mẽ và cá tính sau đây.
Yếu tố cần: Một không gian bếp cao rộng, thoáng và nhiều ánh sáng
Để đáp ứng đúng tinh thần của phong cách nội thất công nghiệp thì căn bếp nên là một không gian với trần cao, rộng và thoáng.
Có như vậy thì những chi tiết như đèn thả, ống nước kim loại, mảng tường gạch mộc hoặc bê tông thô… mới phát huy hết vai trò trang trí, giúp không gian trở nên thô, cứng và mạnh mẽ.
Đồng thời, trong một không gian rộng thoáng thì một chút cảm giác “lộn xộn” của phong cách công xưởng công nghiệp này vẫn khiến bạn “vừa mắt”.
Căn bếp với những khoảng trần cao, không gian rộng rãi
Điều thú vị là để có những khoảng trần cao thì đôi khi thay vì việc khiến mọi thứ trở nên hoàn hảo hơn, bạn có thể tận dụng những mảng trần, tường bê tông thô dở dang với những đường ống nước, dây điện chạy nổi sẵn có để tạo nên căn bếp công nghiệp.
Tận dụng mảng tường và trần bê tông thô vừa có hiệu quả trang trí lại giúp chủ nhà tiết kiệm một khoản chi phí thi công
Yếu tố đủ: Những chất liệu đại diện cho phong cách công nghiệp như gạch thô, bê tông, kim loại, gỗ
Trong phòng bếp, để thể hiện cảm hứng về phong cách công nghiệp thì có thể sử dụng những chất liệu như gạch, bê tông, kim loại và gỗ.Những chất liệu này thường được để ở dạng thô, ít bao bọc để phô bày kết cấu bên trong, thậm chí có thể tái sử dụng những chi tiết cũ, gỉ sét, mang đậm dấu ấn thời gian.
Những chi tiết nội thất phổ biến trong phòng bếp phong cách công nghiệp thường là mảng tường gạch nguyên thủy, tường bê tông, trần bê tông chưa xử lý, đèn thả, bàn ăn gỗ, ghế kim loại, đường ống nổi…
Bầu không khí công nghiệp với đồ nội thất đơn giản để làm nổi bật gỗ tự nhiên cùng những chi tiết nội thất bằng đồng gỉ sét cũ kỹ như đèn thả và đường ống nước
Căn bếp cho cảm xúc về không gian cá tính, phóng khoáng với những chi tiết đặc trưng như đèn treo, tường gạch nguyên thủy, bàn gỗ tự nhiên kết hợp với bộ ghế ngồi bằng kim loại màu sắc tương phản
Biến hóa cột bê tông lớn thành không gian lưu trữ sách bên trong căn bếp cũng là một ý tưởng thú vị. Tường gạch và chi tiết kim loại, gỗ tự nhiên góp phần tạo cảm giác thô và mạnh mẽ
Những khung cửa sổ cao và rộng bằng kim loại được chia thành nhiều ô nhỏ cũng là một dấu ấn của phong cách công nghiệp.
Căn bếp của bạn sẽ không chỉ ngập tràn ánh sáng mà còn tạo ra không khí tự do, phóng khoáng.
Tận dụng ánh sáng tự nhiên cho khu bếp với những ô cửa sổ cao và rộng
Sàn, trần bê tông, chi tiết kim loại và bổ sung thêm những ô cửa sổ sáng cho một căn bếp khó rời mắt
Mỗi người có một sự lựa chọn riêng về phong cách nội thất cho không gian sống nói chung cũng như căn bếp ấm cúng của mình.
Tuy nhiên, với những ưu điểm như không gian cởi mở, cá tính và phóng khoáng, đồng thời cũng là giải pháp khá hiệu quả để tiết kiếm chi phí đầu tư thì một căn bếp với phong cách công nghiệp hoàn toàn xứng đáng để bạn cân nhắc.